Tiếp tục thực hiện chỉ thị về tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm, ngày 7⁄4, Bộ Công Thương thành lập đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ trên địa bàn TP. Hà Nội.

Vẫn còn vi phạm

Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) – mục đích của đợt kiểm tra nhằm cụ thể hóa Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về quản lý hóa chất nguy hiểm và độc hại, nhất là đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Đặc biệt, tập trung vào hóa chất có thể bị lạm dụng để sử dụng trong chế biến thực phẩm như cồn và methanol.

Đoàn liên ngành đã kiểm tra 36 doanh nghiệp và hộ kinh doanh hóa chất trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, chủ yếu tại các tuyến phố: Hàng Hòm, Hàng Quạt, Hàng Nón, Phạm Ngũ Lão – nơi tập trung nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh sơn, cồn, dung môi, hóa chất tẩy rửa. Nội dung kiểm tra bao gồm: Giấy chứng nhận kinh doanh; danh mục hóa chất và sản phẩm hóa chất được kinh doanh; điều kiện kho chứa; bao bì; nhãn mác và các loại giấy phép, giấy chứng nhận về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường…

Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản, các hộ kinh doanh đều xuất trình được giấy phép kinh doanh; hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa; có trang bị thiết bị bảo hộ lao động; bình cứu hỏa…. Tuy nhiên, đa số các hộ đều chưa xuất trình được giấy chứng nhận an toàn hóa chất, phiếu phân loại hàng hóa, một số mặt hàng không có nhãn mác và thông tin về độ độc hại.

Cục Hóa chất khẳng định, việc buôn bán nhỏ lẻ hóa chất hầu như chưa tuân thủ các quy định về phân loại và ghi nhãn hóa chất. Việc san chiết hóa chất bằng chai lọ, bình, can, túi không nhãn mác diễn ra phổ biến. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tự trang bị kiến thức cơ bản về an toàn hóa chất, chậm cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến ý thức chấp hành các quy định chưa cao, không triệt để.

Bà Đào Thị Phương Thủy- Kiểm soát viên Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội – đánh giá: Việc ý thức tuân thủ của các hộ kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ vẫn chưa được tốt. Hóa chất mua về sử dụng vào mục đích nào lại càng khó kiểm soát hơn.

Tăng cường quản lý

Đợt kiểm tra lần này chủ yếu nhằm phổ biến, hướng dẫn việc tuân thủ các quy định và điều kiện kinh doanh hóa chất với các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, Cục Hóa chất sẽ có thêm những cơ sở để bổ sung và hoàn thiện nghị định mới liên quan đến điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất công nghiệp nói chung, hóa chất có điều kiện và hóa chất hạn chế (dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm 2017).

“Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ có 2 đoàn kiểm tra. Trong đó một đoàn kiểm tra các đơn vị nhập khẩu cồn, methanol tại một số tỉnh phía Bắc và khu vực phía Nam.. Đoàn còn lại kiểm tra tại khu vực Hà Nội để hướng dẫn, tuyên truyền các hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định pháp luật. Sau 3 tháng nữa sẽ kiểm tra lại, quyết liệt và dứt điểm” – ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định.

Ngoài ra, Cục Hóa chất cũng đề xuất tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt ở cấp địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời, tập trung quy hoạch các khu vực kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ tại các khu đô thị, nhằm tăng cường quản lý và đáp ứng quy định về an toàn hóa chất.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương và cơ quan chức năng liên quan, chắc chắn trong thời gian tới, hoạt động kinh doanh hóa chất sẽ có nhiều bước chuyển biến tích cực hơn.

Cục Hóa chất sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường tổ chức hội thảo/tập huấn cho hộ kinh doanh và Chi cục Quản lý thị trường tại các thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh) về quy định quản lý, phân loại và ghi nhãn hóa chất…

TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH CORONA MỚI NHẤT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *